Diễn Đàn CLB Kỹ Năng - Du Khảo
CHÀO MỪNG TẤT CẢ CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI FORUM CLB KỸ NĂNG - DU KHẢO^^

Join the forum, it's quick and easy

Diễn Đàn CLB Kỹ Năng - Du Khảo
CHÀO MỪNG TẤT CẢ CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI FORUM CLB KỸ NĂNG - DU KHẢO^^
Diễn Đàn CLB Kỹ Năng - Du Khảo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÁCH XẾP CỦI CHO LỬA TRẠI VÀ CÁCH TẠO LỬA

Go down

Bình Thường CÁCH XẾP CỦI CHO LỬA TRẠI VÀ CÁCH TẠO LỬA

Bài gửi  nhoccontinhnghich Sun Dec 20, 2009 7:15 pm

Có nhiều cách xếp củi để đốt lửa trại: Kiểu tăm xe, kiểu hình nón, kiểu tứ diện (củi chó), kiểu lục lăng, củi cây đinh liệu...
HÌNH TĂM XE
-Củi được xếp theo hình tăm xe, nghĩa là tất cả củi để dưới đất nhưng có một đầu chống lên nhau đầu kia hướng ra ngoài tạo thành hình tăm xe, dùng lối này ít tốn củi nhưng lửa không cháy cao được.
HÌNH NÓN
-Là kiểu sắp xếp củi trên đầu chụm lại và dưới chân loe ra; củi nhỏ và khô ở nòm, củi lớn ở ngoài.
HÌNH TỨ DIỆN
-Là kiểu xếp một hình nón ở giữa bằng củi nhỏ và khô, bên ngoài xếp thành hình vuông 2 củi ngang 2 củi dọc cứ thế mà chồng lên nhau bọc lấy hình nón, cao dần lên cho khuất chỏm hình nón, nhớ để chỗ châm lửa về phía gió thổi.
HÌNH LỤC LĂNG
-Xếp hình nón ở giữa như trên, bên ngoài bao bọc bằng củi lớn xếp hình tam giác cân, xéo nhau cao lên.
HÌNH BÁT GIÁC
-Như kiểu tứ diện song các hình vuông xéo nhau chia thành tám cạnh.
CÂY ĐINH LIỆU
-Là hình thức tổ chức lửa trại lớn; ở thành thị thì có thể là cây bông, pháo xì hoa từ gốc đến ngọn (cao khoảng 3-4 mét trở lên) cho cháy lâu hàng giờ để vừa xem vừa ăn uống, vui chơi trò chuyện với nhau.
-Ta có thể làm cây đinh liệu bằng cách xếp đống lửa trước bằng cả thân cây (không chặt nhỏ) cao từ 2 đến 5 mét.
-Kiểu này hay xếp thành hình nón và cần đến 6 tới 10 cây cao đều nhau, cây cần khô và có nhựa như cây thông hoặc thuộc loại dễ cháy.
-Muốn cho cây cháy ngay và sáng rực từ đầu đến chân, ta có thể phết nhựa thông, nhựa chai vào suốt quanh thân cây.
-Nhớ đừng quên xếp củi hình lục lăng hay bát giác ở dưới cùng để giữ lửa.
CÂY ĐÈN HIỆU
-Là hình thức tổ chức lửa trại lớn, ta dùng 1 cây cao và cắm pháo bông từ đầu đến chân cho cháy sáng hàng giờ để thay thế cho việc đốt lửa trại (dạng này chỉ dùng cho những nơi người ta cấm không cho đốt lửa trại).
-Chúng ta có thể làm cây đèn hiệu bằng cách xếp, cả thân cây cao từ 3 đến 5 mét theo kiểu hình nón và dùng từ 5 đến 7 cây là vừa.
-Ta nên dùng cây dễ cháy như thông chẳng hạn. Muốn cho tất cả cây cùng cháy rực lên ta dùng nhựa thông phết một lớp mỏng ngoài thân cây, nhưng dù sao muốn nó cháy lâu ta cũng phải xếp 1 đống củi hình tứ giác, lục lăng hay bát giác ở giữa để giữ lửa.
-Ngoài ra còn có một cách nữa là cho cát vàng khô vào một chậu hoặc lon, sau đó đổ dầu hôi vào, đánh diêm ném lên cát là cháy, khi hết dầu ta chỉ cần đổ thêm dầu là lửa lại bừng sáng.
-Cách này thường làm để trong lòng đống củi để khi trại trưởng châm lửa là nó bắt liền, nếu không có cát thì để ống dầu hôi nhưng nhúng giẻ rách, tránh đổ dầu ở ngoài vào khi lửa không cháy và vì thế nên chuẩn bị củi lửa và đầu trước.
-Trong khi làm các kiểu xếp củi trên đây, ta nên nhớ phải để một chỗ hổng để châm lửa vào; nếu dự trù cách khai lửa không bằng cách châm đuốc thì phải tiên liệu nơi bắt lửa đầu tiên, ở đó ta nên để một ít dầu hỏa hay nhựa thông để lửa dễ bắt.
CÁCH TẠO MÀU CHO LỬA
-Trong đêm lửa trại nhiều khi cũng cần đến việc sử dụng các cách làm màu cho lửa để tăng phần hào hứng cho đêm lửa trại.
+Làm khói: Ném vào đống lửa đang cháy rực rỡ một ít cỏ tươi hay lá tươi.
+Làm sáng rực: Ném vào lửa từng nắm rơm khô hoặc giấy cắt nhỏ.
+Làm lửa màu đỏ: Ném vào lửa một nắm bột màu đen.
+Làm lửa xanh lục: Ném vào lửa một nắm bột sulfate de cuivre.
+Làm lửa vàng: Ném vào lửa một nắm muối to hay nhựa.
+Làm lửa xanh lơ: Ném vào lửa giấy bạc nhũ trắng.
+Làm lửa nổ: Ném hạt nhãn khô, cắt ống lồ ô bịt kín ném vào.
CÁCH LÀM ĐUỐC
-Dù có hiện đại đến bao nhiêu đi chăng nữa thì trong đêm lửa trại vẫn cần phải có ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc và củi lửa trại. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho đêm lửa trại, đầu tiên chúng ta nên lưu ý đến công việc làm đuốc. Có các cách thường làm sau đây:
-Dùng nhựa thông, nhựa tràm, nhựa chai nấu lên cho lỏng rồi lấy các cây gậy vừa tầm tay từ 60 đến 80cm, nhúng đầu gậy vào nhựa khoảng 15cm, sau đó để cho hơi khô và lấy vải hoặc giấy báo bọc xung quanh 1 lần, sau đó tiếp tục nhúng vào nhựa nhiều lần.
-Lấy ống sữa bò đóng lên một cây gậy trong có đổ cát vàng khô; lúc sắp đốt đổ dầu lửa vào cho ướt hết thì thôi, đến khi cần quẹt diêm lên là cháy.
-Lấy ống tre, nứa khô cho nhựa chai vào trong; ở ngoài quấn giấy xanh đỏ cho đẹp. Nhớ làm cái che tay cho khỏi bị nóng. Khi đốt lên là cháy.
-Lấy ống tre xanh tươi trong đổ dầu lửa, rồi lấy vải thấm vào làm bấc đốt lên là cháy.
-Dùng ống tre chẻ đầu thành 6-8 phần đều nhau, đặt lon sữa bò vào và dùng dây kẽm cột lại. Bằng cách này dầu sẽ không đổ ra ngoài.
LÀM CHUỘT LỬA
-Chuột lửa là một công cụ cho việc châm lửa.
-Có nhiều cách để chế tạo chuột lửa, tùy sáng kiến của mỗi người: hoặc từ trên cao chạy xuống, hoặc từ dưới thấp chạy lên cao rồi mới xuống đống lửa.
TỪ TRÊN CAO CHẠY XUỐNG
-Căng dây kẽm đến thân cây hay một điểm cao và có độ dốc vừa phải, đầu dây kẽm (phía đống lửa) chúng ta nối bằng một đoạn dây nilon ngắn để sau khi cháy thì dây đứt, không gây trở ngại cho việc trình diễn.
-Lấy lon sữa bò, lon bia... cho giẻ tẩm dầu vào, lấy dây kẽm làm thành một cái quai. Dùng tim đèn nối dài (hay vải se lại thành sợi) cột vào lon.
-Treo lon lên điểm cao nhất của sợi dây kẽm, cố định bằng dây thun, thòng dây tim xuống cho vừa tầm.
-Khi đốt dây thun đứt, lon lửa sẽ trôi theo độ dốc xuống đống lửa.
TỪ DƯỚI CHẠY LÊN:
-Nguyên tắc thì vẫn trượt theo dây nhưng một bên thì nhờ trọng lượng, một bên thì nhờ dây thun đàn hồi.
-Loại chuột lửa này chúng ta để cho hộp lon nằm ngang và làm hai khoen bằng dây kẽm để dễ dàng trượt theo dây hướng dẫn.
-Từ một góc nào đó, dùng dây thun tạo lực đàn hồi để bắn mồi lửa lên cao, có sẵn mồi lửa, từ đó chuột sẽ chạy xuống đống củi.
KỂ CHUYỆN LỬA TRẠI
-Có những lúc người ta cần yên lặng, giờ phút ấy nếu để trôi qua trống rỗng sẽ làm hỏng cả cuộc vui. Tương trợ cho thời gian “gay cấn” này chúng ta nên kể chuyện.
-Những câu chuyện kể có những tác dụng rất lớn: giáo dục, tuyên truyền đến người nghe một cách tế nhị, khéo léo, giúp mỗi người tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho mình.
-Quan trọng nhất là phải khéo léo khi chọn câu chuyện để kể sao cho thích hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, tùy lúc tùy nơi... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
-Muốn vậy người kể chuyện phải chuẩn bị một số câu chuyện, theo những đề tài nhất định.
-Những câu chuyện này có thể sưu tầm trong tủ sách “Học làm người”, “Cổ học tinh hoa”, “Quà tặng của cuộc sống”...
nhoccontinhnghich
nhoccontinhnghich
Thành viên bậc 3
Thành viên bậc 3

Tổng số bài gửi : 146
Join date : 19/08/2009
Age : 32
Đến từ : một góc nhỏ của thế giới này

Về Đầu Trang Go down

Bình Thường CÁCH CHÂM LỬA

Bài gửi  nhoccontinhnghich Sun Dec 20, 2009 7:21 pm

CÁC CÁCH KHAI MẠC LỬA, CHÂM LỬA
-Tùy thuộc vào hình thức và nội dung của từng loại lửa trại mà ta có sự khai lửa, châm lửa cho phù hợp để gây cho người dự sự bất ngờ thú vị.
-Có rất nhiều cách khai lửa, chúng tôi xin đơn cử vài lối khai mạc thông thường.
- Nên lưu ý địa thế là một yếu tố quan trọng để lựa chọn loại hình khai lửa, và cần phải tập dợt để khỏi trở ngại cho đến khi khai lửa chính thức.
LỬA DANH DỰ
-Đến giờ lửa trại, ban quản trại và các đội tập trung đến khu vực đốt lửa.
-Khi mọi người đến đông đủ, trại trưởng hoặc người đại diện cao nhất được mời ra để châm lửa khai mạc lửa trại.
-Người này cầm ngọn đuốc đã chuẩn bị sẵn rồi châm vào đống củi; sau đó phát biểu ý kiến và ủy quyền lại cho quản trò điều khiển đêm lửa trại.
-Hoặc đến giờ khai mạc, quản trò hay quản ca hát vang bài “Gọi lửa” rồi mời tất cả cùng tham gia.
+Các đội reo hò, hát vang những bài ca và bước nhanh đến khu vực lửa trại.
+Khi các đội đến đông đủ, trại trưởng ra châm lửa, phát biểu ý kiến khai mạc lửa trại.
+Châm lửa theo cách này chỉ cần chuẩn bị củi để đốt, dầu hôi và đuốc.
XÂY DỰNG HOẠT CẢNH: THẦN BÓNG TỐI VÀ THẦN ÁNH SÁNG
-Đầu tiên là bóng đêm bao trùm, mọi người ngồi hoặc quì quanh đống củi.
-Những tiếng hú và tiếng động báo hiệu một tai nạn đang ập đến; thần Bóng Tối xuất hiện với những lời gào thét man rợ, quằn quại... bỗng thần Ánh Sáng xuất hiện, trên tay có ngọn lửa diệu kỳ với những lời vọng mang lại sự sống cho loài người khắp thế gian.
-Thần Bóng Tối hoảng sợ bỏ chạy trong tiếng cười chiến thắng của thần Ánh Sáng.
-Bài ca gọi lửa vang lên, tất cả cùng nhảy múa.
-Ngọn lửa bừng sáng soi rọi mọi người tay trong tay bên nhau vang câu ca (có thể kết hợp nhiều cách châm lửa như: dùng chuột lửa, châm đuốc, dây điện...).
Hết lời ca, quản trò mời trại trưởng ra khai mạc.
LẤY LỬA BỐN PHƯƠNG
-Các đội chuẩn bị cho mỗi đội viên của mình một ngọn đuốc.
-Các đội trước khi vào lửa trại, cầm đuốc từ 4 hướng chờ hiệu lệnh của người điều khiển.
-Khi nghe hiệu lệnh hay bài ca “gọi lửa” vang lên, từ 4 hướng các đội đốt đuốc và cùng lúc tiến thẳng vào địa điểm đốt lửa trại.
-Khi các đội đã đến đủ và đứng thành vòng tròn quanh đống lửa thì từng đội giơ đuốc quay về phía tay phải của mình đi theo vòng tròn nhỏ.
-Mỗi vòng tròn nhỏ xoay tại chỗ ba vòng và khi nghe tín hiệu bốn vòng tròn nhỏ hợp lại thành một vòng tròn lớn chung quanh đống củi.
-Quản trò mời đại biểu và trại trưởng ra châm lửa, sau đó các đội tiếp tục lấy đuốc châm vào đống củi cho nó bừng sáng lên.
-Xong, về vị trí cũ và trại trưởng ra phát biểu khai mạc rồi trao trách nhiệm lại cho quản trò điều khiển chương trình.
*Có thể dùng một cách khác như sau:
-Dùng sợi dây kẽm căng thẳng từ 4 cành cây gần khu vực lửa trại xuống một cọc đóng giữa đống củi.
- Làm 4 hỏa tiễn bằng cây quấn vải tẩm dầu hay nhựa thông (nếu có thể cột kèm theo pháo bông cho đẹp), làm 2 vòng thép cột trong hỏa tiễn để có thể tuột theo dây kẽm một cách dễ dàng.
- Treo hỏa tiễn ở phía cành cây bằng một sợi dây vải, từ hỏa tiễn làm thêm một sợi dây khác có tẩm dầu rồi thòng xuống đất (lưu ý sợi dây không thòng xuống đất quá để khỏi ảnh hưởng đến người tham dự).
- Khi châm lửa dây vải cháy dần lên làm sáng hỏa tiễn và đứt dây vải, hỏa tiễn theo dây kẽm buộc xuống đống củi làm cháy bừng lên ngọn lửa trại.
- Một chi tiết cần chú ý là làm sao cho 4 hỏa tiễn cùng xuống một lượt thì rất đẹp.
RƯỚC LỬA
-Cách châm lửa này thường dùng để khai mạc lửa trại truyền thống.
-Lửa trại được lấy ở một nơi gần trại như đền thờ một danh nhân, tại một di tích lịch sử...
-Rước lửa loại này giống như rước lửa Olimpic hoặc rước lửa trong các Đại hội TDTT.
-Khi lửa về đến nơi, quản trò cho trại sinh cùng ra đón lửa, ngọn lửa được chuyển đến tay trại trưởng hoặc người khách mời danh dự, sau đó người này châm đuốc vào củi cho cháy sáng lên.
-Trại trưởng phát biểu khai mạc, giới thiệu với toàn trại ban phụ trách trại rồi ủy quyền cho quản trò điều khiển đêm lửa trại.
-Muốn tổ chức cách khai lửa này, ban quản trại cần cử người liên hệ trước với nơi lấy lửa.
-Chuẩn bị một đội rước lửa thiêng gồm một đội trưởng và hai đội viên có nhiều thành tích hoạt động xuất sắc.
Đuốc cũng phải được chuẩn bị tốt để tránh xảy ra sự cố dọc đường.
-Có thể mang theo 1-2 cây đuốc dự phòng nếu đường đi rước lửa tương đối xa.
-Tuy vậy, đường đi từ trại đến nơi lấy lửa không nên vượt quá 1 kilômet.
LẤY LỬA TỪ LÒNG SÔNG, BIỂN
-Nếu cắm trại gần sông, biển, hồ nhất là nơi gắn liền với những di tích lịch sử; với những chiến công, truyền thống... thì nên dùng cách lấy lửa này.
-Sau khi tập trung xung quanh đống củi, quản trò ra hiệu lệnh, đội lấy lửa chuẩn bị lấy lửa.
-Quản trò làm điệu bộ và nói to: “Kính mời thần Lửa vào dự lửa trại”. Và lúc đó, một đội viên trong nhóm bảo vệ lửa bí mật kéo lửa từ xa vào bờ.
-Đội trưởng đội danh dự châm ngọn đuốc vào lửa, lửa bén làm cháy đuốc, đội trưởng giơ cao cây đuốc cùng toàn đội danh dự chạy thong thả vào nơi đốt lửa.
-Sau đó trao đuốc cho trại trưởng để châm lửa khai mạc lửa trại.
-Khi lửa bừng cháy thì trại trưởng phát biểu khai mạc lửa trại.
-Muốn lấy lửa kiểu này, cần có sự chuẩn bị trước một cách bí mật.
-Lửa thắp từ một đèn dầu hoặc một đoạn nến lớn đặt trong một cái hoa sen làm bằng giấy bóng kính có màu cánh sen, hoa sen được đặt trên một miếng gỗ nhỏ mỏng (để hoa sen nổi trên mặt nước).
-Dùng một sợi dây dài, một đầu buộc vào miếng gỗ, còn một đầu buộc vào một cái cọc đóng ở bờ sông, hồ, biển.
-Để việc kéo lửa được dễ dàng nhanh chóng, có thể buộc đầu dây vào một cái ròng rọc, khi quay ròng rọc, dây thu ngắn lại dần và kéo đèn hoa sen vào bờ.
-Nên giữ bí mật để gây bất ngờ cho trại sinh.
-Có thể chọn cử những người biết bơi giỏi để đưa hoa sen có đèn chưa thắp lửa mang ra xa ngoài bờ một khoảng an toàn.
-Sau khi có hiệu lệnh, thì những người này mới thắp đèn lên để những người trong bờ kéo đèn vào.
Chú ý: Lửa phải đủ sáng sao cho từ xa đã thấy lửa trên mặt nước, giống như mọc từ trong nước hiện ra.
GỌI LỬA TỪ TRÊN CAO XUỐNG
-Khi toàn trại đã có mặt đông đủ quanh đống củi, quản trò bắt nhịp bài hát “Gọi lửa”, sau đó đến trước trại trưởng và nói to: “Xin trại trưởng mời thần lửa từ trên cao xuống khai mạc đêm lửa trại hôm nay”.
-Trại trưởng bước ra vòng lửa rồi giật mạnh một đầu dây buộc sẵn để ngỏ trên đầu: một mồi lửa từ trên cao rơi xuống trúng vào giữa đống củi, ngọn lửa bùng cháy lên.
-Cách châm như sau: dùng 1 sợi dây kẽm chăng từ 2 cây cao sao cho sợi dây chạy ngang qua giữa đống củi.
-Trên dây kẽm nhớ treo 1 cái ròng rọc hoặc tương tự (cần buộc kỹ để nó không di chuyển được).
-Dùng 1 sợi dây khác chạy qua ròng rọc, đầu dây gần ròng rọc mang một hộp kim loại (lon sữa bò rỗng 1 đầu) có đựng giẻ tẩm xăng hoặc dầu hôi, hộp này nên đặt trong một cái hộp giấy khác nhằm che không cho ánh sáng của lửa hắt ra ngoài (trại sinh không thấy).
-Mồi lửa phải treo đúng giữa đống củi và nên buộc bằng dây nhỏ dễ đứt khi bị cháy.
-Đầu dây còn lại trên ròng rọc bố trí treo ngỏ, cách mặt đất khoảng 1,5m để thuận lợi cho trại trưởng khi kéo dây châm lửa.
*Thêm một cách lấy lửa từ trời cao:
-Đóng một cọc ngắn xuống đất cách xa đống củi và ngoài vòng người đang đứng tham gia lửa trại.
-Từ chân cọc ta làm một cây tre dài khoảng 1 mét trở lên; trên đầu tre cắm 1 miếng thiếc (như cái muỗng).
-Dùng dây thun cột vào cọc ngắn và cây tre.
-Làm 1 dây an toàn giữ thân tre với mặt đất.
-Làm 1 mồi lửa tròn để trên mảnh thiếc.
-Khi châm lửa xong muốn khai lửa ta chỉ cần cắt dây an toàn, ngọn tre bị dây thun kéo bắn lên làm mồi lửa tung lên cao và bay theo hình vòng cầu để rơi vào đống củi.
-Cách khai lửa này rất khó khăn và phải tập nhiều lần trước khi thực hiện đêm lửa trại.
-Một chi tiết quan trọng là khi khai lửa kiểu này thì đống củi nên xếp theo hình tứ giác, lục lăng hay bát giác để mồi lửa rơi vào một cách dễ dàng.
Chú ý: Phải là nơi có cây cao để tiện cho việc giăng dây.
DÙNG CHUỘT LỬA (HỎA TIỄN)
-Đây là cách châm lửa thông dụng nhất.
-Chuột lửa đã được chuẩn bị sẵn.
-Khi được mời châm lửa khai mạc đêm lửa trại, trại trưởng bước tới gần một cái cọc (bằng tre hoặc bằng thân cây gỗ) đóng sẵn ở vòng lửa, dùng diêm hoặc bật lửa châm lửa vào giẻ tẩm dầu và đuôi chuột lửa.
-Lửa cháy làm đứt dây neo chuột vào cọc; chuột lửa lao thẳng vào đống củi, đốt cháy củi mồi... Khi lửa đã bén, trại trưởng khai mạc lửa trại.
Chú ý:
-Dùng chuột lửa gây được ấn tượng nhưng phải chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo cho sự thành công, đặc biệt cần phải thử nhiều lần trước khi thực hiện đêm lửa trại.
CHÂM LỬA BẰNG ĐIỆN
-Trại trưởng được mời ra khai mạc lửa, đứng dậy và bước ra vòng lửa chào mọi người; sau đó xoay người chỉ tay vào đống củi và vỗ tay, tức thì lửa bừng cháy lên trong khi quản trò bắt nhịp bài hát nhảy lửa.
-Xong trại trưởng phát biểu khai mạc lửa trại.
-Đây là cách châm lửa bằng dây may-so (dây xoắn kim loại dùng nấu nước sôi bằng điện) được nối với dây điện kép, đặt sát ngầm mặt đất từ ổ cắm điện đến giữa đống củi để đốt.
-Điều quan trọng là trên dây may-so phải có vải tẩm xăng hay dầu hôi và vài cây diêm cho nó dễ bắt lửa.
-Khi có hiệu lệnh của trại trưởng, người phụ trách cắm dây điện với dây may-so, tức thì sẽ đốt cháy vải và bừng cháy. (Cần giữ an toàn tuyệt đối khi thực hiện các động tác này).
KHAI LỬA BẰNG CUNG TÊN
-Trên các vùng cao nguyên, có nơi người ta còn khai lửa bằng cách tẩm dầu vào đầu mũi tên có quấn vải, sau đó đốt lửa lên và bắn vào đống củi, lửa bừng cháy.
-Ngoài ra, có những chương trình lửa trại, đặc biệt là lửa trại truyền thống chúng ta có thể không cần khai mạc lửa ngay mà bắt đầu bằng phút sinh hoạt truyền thống.
-Sau phút sinh hoạt truyền thống tắt đèn, bóng đen trùm xuống, trống múa sư tử, lân... nổi lên.
-Đội múa lân, sư tử nhảy quanh đống củi lúc này vẫn chưa đốt lên.
-Điệu múa vừa dứt thì trại trưởng cũng bắt đầu đọc lời khai mạc lửa trại.
-Bài viết này nên gắn liền với truyền thống, di tích lịch sử nhằm thức dậy trong lòng mọi người niềm tự hào và lòng yêu quê hương đất nước.
Chú ý:Trong khi chơi lửa trại, nếu không có củi có thể sử dụng các cách sau đây:
-Dùng nến hóa học nối lại đốt cháy tùy thích.
-Dùng lon cát có tẩm dầu lửa đốt cháy lên.
-Dùng ngọn lửa điện hay tạo ngọn lửa bằng vải (hiện nay người ta hay sử dụng để trang trí).
nhoccontinhnghich
nhoccontinhnghich
Thành viên bậc 3
Thành viên bậc 3

Tổng số bài gửi : 146
Join date : 19/08/2009
Age : 32
Đến từ : một góc nhỏ của thế giới này

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết